21 September 2016

Học trò Việt Nam sẽ được học với thầy cô giáo Trung Cộng?

Dự kiến từ niên học 2017, Bộ Giáo dục và Đào tạo CSVN sẽ áp dụng chương trình dạy và học tiếng Nga và tiếng Trung Cộng liên tục trong suốt 10 năm, bắt đầu từ lớp 3 cho đến hết lớp 12. Hai môn học này sẽ được giảng dạy như môn ngoại ngữ thứ nhất, tương đương như tiếng Anh.

Bộ trưởng Phùng Xuân Nhạ
tại hội nghị về triển khai lộ trình
Đề án ngoại ngữ quốc gia 2020,
diễn ra hôm 17-9.
(Ảnh: Bộ GD-ĐT)

Bộ trưởng Bộ Giáo dục và đào tạo CSVN, ông Phùng Xuân Nhạ nhiều lần nhấn mạnh với báo giới: “Việc học ngoại ngữ muốn tiến triển nhanh thì người học cần phải được mở rộng giao lưu với giáo viên bản ngữ, sinh viên nước ngoài. Học tiếng gì phải tiếp cận với người nói tiếng đó”.

Như vậy, từ niên học 2017, tất cả các trường từ cấp tiểu học đến trung học ở Việt Nam sẽ có mặt các thầy cô giáo đến từ Trung Cộng.

Mới đây trả lời trong cuộc họp trực tuyến về đề án dạy ngoại ngữ trong hệ thống giáo dục, ông Nguyễn Minh Châu, phó Giám đốc Sở Giáo dục và đào tạo tỉnh Lạng Sơn cho biết: “Lạng Sơn tiếp giáp với Trung Cộng, nên việc dạy và học tiếng Trung là rất thuận lợi cho việc phát triển giao thương giữa 2 nước. Thời gian trước mắt, Lạng Sơn tiếp tục tổ chức dạy tiếng Anh là ngoại ngữ 1 đối với các trường phổ thông. Đồng thời, triển khai tổ chức dạy tiếng Trung Quốc là ngoại ngữ 1 ở một số lớp nhằm đáp ứng nhu cầu của học sinh”.

Số liệu thống kê cho biết ở Việt Nam hiện có 15,277 trường tiểu học, 10,878 trường trung học cơ sở, phổ thông cơ sở, 2,767 trường trung học phổ thông. Tổng cộng là 28,922 trường từ cấp tiểu học đến trung học. Mỗi trường chỉ cần có 2 thầy cô giáo là người Trung Cộng, thì Việt Nam sẽ có ít nhất là 57,844 giáo viên đến từ Trung Cộng.

Có nhiều bình luận trên mạng xã hội xoay quanh cụm từ “ngôn ngữ được sử dụng rộng rãi”. Cụm từ này mang ý nghĩa là một ngôn ngữ phổ biến, được nhiều người nói. Nhưng đây cũng là một cách nói có thể gây nhầm lẫn.

Một bạn ý kiến: "Một ngôn ngữ được nhiều người nói không có nghĩa là nó được nói rộng rãi ở khắp muôn nơi mà chỉ được nói trong một khu vực địa lý bó hẹp, vì lý do số lượng dân số của quốc gia ấy quá đông."

Một ý kiến khác chỉ tiếng Trung như là một ví dụ: "Nếu một người học tiếng Trung, người ấy có thể sẽ nói chuyện được với 37% dân số toàn cầu, nhưng trên thế giới chỉ có 3 quốc gia sử dụng ngôn ngữ này như là ngôn ngữ chính thức, theo CIA World Factbook (https://www.cia.gov/library/publications/the-world-factbook/rankorder/2119rank.html). Ngược lại, tiếng Pháp là ngôn ngữ chính thức của khoảng 29 quốc gia trên toàn thế giới. Vậy thì tiếng Trung có thực sự được 'nói rộng rãi'?"

Vũ Minh Ngọc / SBTN

No comments:

Post a Comment