27 December 2016

Những Ngày Lưu Luyến Ấy, hồi ký

Nguyễn Văn Thọ
Sau 50 năm, nghĩ lại những ngày đầu của hành trình đi vào đời Hành Chánh, tôi vẫn còn lưu luyến những kỷ niệm thật dễ thương, nhất là trong giai đoạn khởi sự tại nhiệm sở đầu tiên: Thị Xã Đà Lạt, xứ hoa anh đào, sương mù giá lạnh.

Tôi nhận nhiệm sở Đà Lạt là do định mệnh hơn là một lựa chọn. Điều này sẽ làm nhiều người thắc mắc!

Vì trước mặt Giáo sư Nguyễn Văn Tương, Đặc Ủy Trưởng Hành Chánh, (chức vụ ngang hàng Bộ Trưởng Nội Vụ của tổ chức hành chánh thời bấy giờ) mọi anh chị em thuộc Khóa 11 của Học viện Quốc Gia Hành Chánh đều phải chọn một nhiệm sở trong danh sách các tỉnh, thị xã do Bộ đề ra.

Như vậy là mọi người đều phải lựa chọn một nhiệm sở theo thứ tự ưu tiên của mình, dựa trên kết quả kỳ thi tốt nghiệp khoá 11 Đốc Sự. Nhiệm sở đó có thể đúng với ý muốn theo tiêu chuẩn lựa chọn: tỉnh hay thị xã lớn, có an ninh, hoặc là tỉnh, thị xã nhà, cũng có thể chỉ là một nhiệm sở bất đắc dĩ vì không còn nhiệm sở nào đạt các điều kiện trên.

Nhưng dù trong trường hợp nào thì quyết định của tôi cũng là một lựa chọn chứ tại sao tôi lại nghĩ đó là do định mệnh?

Trước ngày chính thức xác nhận nhiệm sở, tất cả anh em Khóa 11, theo thứ tự ưu tiên, theo sự thăm dò lẫn nhau và ước đoán, hầu hết đều đã dự trù sẵn một nhiệm sở lựa chọn cho chính mình. Và anh em đều đoán chắc là tôi sẽ chọn Thị xã Đà Nẵng. Vì Thị xã Đà Nẵng là một hải cảng lớn của miền Trung với nửa triệu dân, có nhiều cơ sở của hải, lục, không quân trấn đóng nên hoàn toàn có an ninh và Đà Nẵng lại đúng là quê hương của tôi nữa.

Tuy nhiên, anh em đã không hay biết hoặc đã vô tình không để ý đến một yếu tố khác cũng không kém phần quan trọng mà tôi gọi là “định mệnh”:

Đó là ý kiến của gia đình người vợ sắp cưới của tôi!

Chính vì yếu tố này, tôi đã gây một xáo trộn đáng tiếc cho nhiều anh em khác.

Nhân hồi tưởng lại sự việc này, xin các anh em bị ảnh hưởng do sự lựa chọn“định mệnh” nói trên gây ra, hãy thông cảm mà xá lỗi cho tôi.

Đặc biệt là anh Trần Ngọc Thiệu phải chọn Tỉnh Tuyên Đức thay vì Thị Xã Đà Lạt và anh Nguyễn Văn Cường, phải chọn Tỉnh Lâm Đồng thay vì Tỉnh Tuyên Đức. Nhưng cũng may nỗi ân hận đã không dày vò tôi lâu, vì chỉ vài năm sau do sự xáo trộn đó mà các anh ấy đã được thăng tiến; anh Thiệu được cử làm Phó Tỉnh trưởng Quảng Tín, anh Cường làm Phó Tỉnh Trưởng Lâm Đồng. Còn tôi, gây song gió nên phải bị sương mù đè nặng, chỉ leo lên làm Phụ Tá Hành Chánh cho Thị trưởng và cho đến ngày sắp mất nước mới cầm được Nghị Định bổ dụng Phụ Tá Tỉnh trưởng Phong Dinh kiêm Phụ Tá Thị trưởng Cần Thơ đặc trách phát triển kinh tế để rồi vào tù Cộng sản.

Do “định mệnh” đó, tôi, tốt nghiệp Ban Hành Chánh, cùng Nguyễn Quý Thành thuộc Ban Kinh Tế Tài Chánh, lên xứ gió lạnh, sương mù thơ mộng Đà Lạt vào một ngày mùa hè nắng ấm nhưng sao anh em chúng tôi vẫn thấy lòng hơi se lạnh. Lạnh lẽo vì sự xa lạ, “lạnh cẳng”do nỗi niềm lo âu vì Đà Lạt là một thành phố được mệnh danh ”trung tâm văn hoá”, dân trí nói chung khá cao  và có nhiều người liên hệ với các giới chức cao cấp trong chính phủ và trong hàng ngũ tướng lãnh của quân đội.

Đà Lạt là đất thuộc Hoàng Triều Cương Thổ trong thời vua Bảo Đại với Dinh I, Dinh II và Dinh III cho nhà vua lên nghỉ ngơi, săn bắn và để đón quốc khách. Đà Lạt còn là trung tâm văn hoá của cao nguyên Trung Phần với Giáo Hoàng Học Viện đào tạo các linh mục cho giáo hội Công Giáo, với Viện Đại Học Đà Lạt có phân khoa Chính Trị Kinh Doanh nổi tiếng được các sinh viên khắp nơi đến thụ huấn, với Trường Chỉ Huy và Tham Mưu dành tu nghiệp các sĩ quan cấp  tướng và cấp tá, với Đại Học Chiến Tranh Chính Trị và Trường Võ Bị Quốc Gia Đà Lạt, quân trường đào tạo các câp chỉ huy quân đội chuyên nghiệp thuộc Bộ Quốc Phòng.

Vùng “đất của nhà vua” này cũng hiện dịên ba ngôi trường dậy theo chương trình Pháp là Lycée Yersin, Adran và trường dành cho nữ sinh nổi tiếng có tên Couvent des Oiseaux, nơi con cái nhà giầu từ tứ xứ đổ về trọ học.

Thị xã tuy chỉ có chưa tới 70,000 dân mà có đến 6 trường trung học. Công lập là trường Hưng Đạo dành cho nam sinh và Bùi Thị Xuân dành cho phái nữ. Tư thục thì có hai trường là Văn Học của ông Chử Bá Anh và Việt Anh của ông Lê Phỉ. Sau này, lại có thêm trường bán công Thăng Long và Trường Văn Khoa của nữ văn thi sĩ Vi Khuê . Thời gian đó, Nguyễn Quý Thành được mời giảng dậy môn Công Dân Giáo Dục tại Việt Anh và Quang Trung. Phần tôi, cũng thường nhận được lời mời vào Trường Võ Bị để thuyết trình cho các sinh viên về tổ chức nền hành chánh công quyền của Việt Nam.

Đà Lạt cũng là trung tâm du lịch và nghỉ mát nổi tiếng tại miền Nam. Do đó,trong thời gian làm việc tôi và Thành thường được cử thay mặt cho các vị Thị Trưởng ra tận phi trường Liên Khương tiếp đón và hướng dẫn các vị Đại Sứ ngoại quốc đến viếng thăm Đà lạt.  Anh em chúng tôi phải “mặc đồ lớn”, côm-lê, cà-vạt trái ngược lại với một số  bạn khác phục vụ nơi ải điạ đầu, phải đối phó với lằn tên, mũi đạn. Chúng tôi thật là may mắn khi được làm việc trong một khung cảnh lý tưởng như vậy để đem ra áp dụng trên thực tế các bài vở đã hấp thụ trong 3 năm đèn sách tại Học Viện Quốc Gia Hành Chánh và 8 tháng huấn luyện quân sự cho Khóa 23 Sinh Viên Sĩ Quan Trừ Bị tại Trường Bô Binh Thủ Đức..

Trở lại vấn đề đáo nhậm nhiệm sở, Thành và tôi không lo âu sao được khi cả Tòa Thị chính lúc đó chỉ có mỗi một Đốc sự hành chánh duy nhất, thuộc Khóa I, anh Thẩm Huy Khôi, trong chức vụ Phó Thị trưởng, còn tất cả các cấp chỉ huy khác đều xuất phát từ ngạch Thư ký đánh máy, do thâm niên công vụ nên được cải lên ngạch Thư ký hành chánh.

Về nhân viên dưới quyền thì phần lớn các nhân viên tuổi đời từ tứ tuần trở lên đều đã từng phục vụ trong Ngự Lâm Quân hay Toà Đại Biểu Chính Phủ tại Cao Nguyên Trung Phần nên họ rất rành rẽ thủ tục và thuộc loại có vai vế trong cộng đồng. Một nữ nhân viên ở tuổi lứa ba mươi thuộc Ty Hành Chánh của tôi lại là một nhà thơ nổi tiếng đương thời, tác giả bài “Em là cô gái trời bắt xấu”, nữ thi sĩ Lệ Khánh.

Thêm nỗi lo âu khác mà chắc chắn không một anh em nào khác trong khóa 11 có được, trừ hai đứa chúng tôi. Đó là chúng tôi sẽ làm việc với một vị Thị trưởng là một người phụ nữ thượng lưu trí thức, thay vì một vị võ biền cho nên kinh nghiệm của tôi và Thành hầu như khác biệt nhiều với đại đa số anh chị em cùng khoá.

Nguyễn Quý Thành, làm việc gì cũng chu đáo, có kế hoạch và hăng say, làm đến nơi đến chốn. Nguyễn Quý Thành lo xa nên đã tìm gặp các anh hành chánh đàn anh đang làm việc tại tỉnh Tuyên Đức để xin ý kiến cố vấn. Tỉnh này đặc biệt có Tòa Hành chánh toạ lạc ở ngay tại Thị xã Đà Lạt , trên cùng một con đường nên các anh em QGHC bên Tuyên Đức rất thông thạo tình hình bên Tòa Hành chánh Thị Xã.

Ngày đầu tiên, trước hết, chúng tôi trình diện anh Phó Thị trưởng Thẩm Huy Khôi, tiếp đến, trình diện Bà Thị Trưởng, nữ luật sư  Nguyễn Thị Hậu. Tôi còn nhớ rõ hôm đó bà thị trưởng mặc một chiếc áo dài thật sang trọng và lịch sự, khăn quàng cổ rất ư là hợp thời trang. Trên bàn làm việc của bà là một bình hoa cắm đầy những cánh hồng tươi thắm. Đà Lạt là thành phố của muôn hoa mà lị!

Khung cảnh trang trọng, thanh lịch với những đoá hoa tươi thắm, với sự hiện diện của một vị nữ lưu đảm nhiệm chức vụ quan trọng số một trong thị xã làm cho anh em chúng tôi quên hẳn địa vị của mình là hai Phó Đốc sự mới tò te đang trình diện trước một xếp lớn, tôi bèn mở máy “ga lăng” khen Bà Thị trưởng. Chúng tôi không ngờ sự “ga lăng” đó có kết quả tốt không ngờ!

Bà Thị trưởng quan tâm đặc biệt hỏi về nơi ăn chốn ở: “Thế hai ông Đốc Sự hiện đã có chỗ ở chưa?”. Chúng tôi thưa là cả hai đang tạm trú ngụ tại đường Hai Bà Trưng, cách trung tâm thành phố chỉ hơn một kilô mét. Bà Thị Trưởng cho biết nơi đó không được an ninh trong khi Phật Giáo đang “xuống đường” và ngay lập tức bà bấm chuông gọi ông Chủ Sự Phòng Nội Dịch, chỉ thị cho ông lấy ngay một căn phòng tại khách sạn Palace, khách sạn lớn nhất và sang trọng nhất của thị xã, toạ lạc ngay ven hồ Xuân Hương cho chúng tôi ăn ở trong thời gian chờ đợi về trình diện quân trường Thủ Đức để thụ huấn một khóa quân sự.

Như tôi đã nói ở trên, thấy hai tên Phó Đốc sự này về Thị xã là các vị công chức Chủ Sự phòng đương nhiệm đã muốn “chém” rồi, đừng nói chi đến việc lấy phòng tại khách sạn  cho chúng tôi ăn ở! Thế là ông Trưởng Phòng Nội dịch (tuy đang đứng tại văn phòng Bà Thị trưởng mà lại biết là khách sạn Palace đã hết phòng) bèn báo cáo ngay là khách sạn Palace đã hết phòng! Nhưng Bà Thị trưởng ra lệnh cho ông ta: “Toà Thị Chính phải tìm một khách sạn nào tốt cho hai ông Đốc Sự ở”.

Nhờ thế, hai đứa chúng tôi được trú ngụ tại khách sạn Thủy Tiên và ăn tại nhà hàng lớn nhất thị xã là “Chic Shanghai” trong suốt 3 tuần lễ. Phòng rộng rãi, có hai giường lớn, nên chúng tôi nhường một giường cho vợ của anh Nguyễn Văn Cường, vì tôi mà phải chọn tỉnh Lâm Đồng, như đã nói ở trên. Chị đang mang thai cần ở Đà Lạt để bác sĩ theo dõi việc sinh cháu đầu lòng.

Đó mới là nỗi “Oan Thị Kính” mà chúng tôi phải gánh chịu sau này vì có người, do ganh ghét chúng tôi, “ráp bo” với bà Thị trưởng trong thời gian chúng tôi rời Đà lạt, về trình diện thụ huấn Khóa 23 Thủ Đức: “Bà Thị trưởng đối xử tử tế với hai ông Phó Đốc sự như vậy, thế mà hai ông ấy lại đem gái về ở chung phòng”.

Hậu quả là sau 9 tháng thụ huấn quân sự và trở về lại Tòa Thị chính, Bà Thị trưởng không tiếp và “giam” chúng tôi suốt một năm làm “siêu nhân viên” cho đến khi bà rời Thị xã Đà Lạt!

Khi Đại Tá Hồ Văn Di Hinh (thứ nam của nhà văn miền Nam nổi tiếng Hồ Biểu Chánh) về làm Thị Trưởng thay thế nữ Luật Sư Nguyên Thị Hậu, Nguyễn Quý Thành đã được cử làm Trưởng Ty Nội An, rồi Trưởng Ty Tài chánh cho đến ngày đi tu nghiệp tại Hoa Kỳ vào đầu năm 1972. Bộ Nội Vụ sau đó đã lưu giữ Thành tại trung ương để đảm trách chức vụ Chuyên Viên Tài Thâu rồi một năm sau đó giữ chức vụ Chánh Sở Nhân Viên khi Bộ phát động việc cải tổ hành chánh. Còn tôi, được cử Trưởng ty Hành Chánh (cùng một lượt với Thành giữ Ty Nội An) rồi chuyển qua Trưởng ty Tài Chánh thay thế Nguyễn Quý Thành và cuối cùng là Phụ tá Hành Chánh tại Thị xã Đà lạt.

Thành phố trong thời gian đó, trông vẫn hiền hòa. Nhưng do các biến động chính trị, Đà Lạt cũng bị lây lan. Ngoài các cuộc tụ tập biểu tình chống đối chính phủ, đốt đài phát thanh đặt tại khách sạn Du Parc, “đem bàn thờ Phật xuống đường” của phe Phật giáo Ấn Quang tại Chùa Linh Sơn mà Cảnh Sát phải cúp điện và cúp nước nhà chùa để giải tán biểu tình vào khoảng các năm 1966-1967. Việt Cộng vẫn thỉnh thoảng đột nhập về các khu phố hẻo lánh như Trại Hầm, Đa Thiện, và đặt chất nổ phá hoại hoặc ám sát viên chức xã ấp.

Tôi và Thành thoát chết trong gang tấc vào năm 1969 do Việt cộng đặt chất nổ ngay tại Tòa Thị chính. Như vậy, tuy công tác ở Đà Lạt nhưng anh em chúng tôi cũng chia xẻ với các bạn ở chốn điạ đầu nỗi hiểm nguy không thể ngờ trong một đất nước có chiến tranh.

Đà Lạt với khí hậu lý tưởng, phong cảnh hữu tình, thơ mộng nên chúng tôi có cơ hội thù tiếp và làm hướng dẫn viên cho các cặp uyên ương mới thành hôn của các bạn cùng Khóa lên Đà Lạt để hưởng tuần trăng mật.

Riêng tôi, không chỉ có một tuần trăng mật mà có đến bảy năm trăng mật từ 1968 đến 1975 tại Đà Lạt. Dù đã có một con gái, cho đến năm cô, tối nào, chúng tôi cũng mặc mân-tô, khoác tay nhau dạo quanh khu Hòa Bình, dừng lại bên lò than hồng của bà cụ bán bắp để mua bắp nướng thoa mở hành, vừa đi, vừa ăn. Nếu không có bắp nướng thì ghé lò bánh mì Vĩnh Chấn để mua bánh mì baguette nóng dòn. Đêm Đà Lạt lạnh, nhưng tình chúng tôi ấm.

Bây giờ sau năm mươi năm, tôi vẫn không sao quên được những ngày lưu luyến ấy. Đà Lạt, nơi chôn nhau, cắt rốn của năm cô con gái của tôi, bây giờ ra sao? Có còn là Đà Lạt thơ mộng hay chỉ là một góc phố Sài Gòn như nhiều người trở lại đã diễn tả với niềm thất vọng, buồn đau.

NGUYỄN VĂN THỌ

 

No comments:

Post a Comment