01 April 2018

Tháng chạp chim về ...

CON CHIM GIÀ SÓI
Sơn Nam

Nó hiện ra từ mí rừng phía đông. Ban đầu chỉ là một đốm đen. Ngỡ đó là con chim đầu đàn, tôi chờ đợi những con khác bay theo sau nhưng tôi ngạc nhiên:

- Con diệc này sao bay về có một mình? Thường thường nó bay về nhiều lắm, sắp thành hai hàng như mũi tên, phải không ông Tư?

- Không phải! Không phải đâu!


 - Nó đó mà! Tội nghiệp quá. Năm nào cũng như năm nào…


Trên ngọn cây gòn, kìa một con chim to tướng đen thui, đầu có đốm trắng, cao nghệu như đứa trẻ lên mười tuổi. Mặt trời đã gác lên mí rừng dọi lên lông cánh của nó, mướt rượt.

- Năm nay nó già đi nhiều… Tội nghiệp!

Khỏi cần lượn vòng quanh, nó cũng nhìn được con rạch Ðường Sân này…
Nóng ruột tôi hỏi:

- Con chi gì mà coi dữ quá vậy ông Tư?

- Con chim già sói. Thứ này bây giờ ít lai vãng tới miệt Cạnh đền này, chớ hồi đó thì ôi thôi…

Vùng Rạch Giá, Hà Tiên nổi danh là nơi tập họp nhiều sân chim, của trời đất dành riêng cho. Từ vàm đến ngọn sông Cái Lớn, bao nhiêu là sân: sân Cái Nước, sân Thầy Quơn, sân Thứ Nhứt… Ðó là chưa kể mấy sân ở giữa rừng mà chưa ai bước chân tới. Từng vùng rộng chừng mười ngàn thước vuông, tụ tập hàng vạn con chim lớn.

Chúng nó sanh sôi nẩy nở, tạo lập một thế giới riêng biệt náo nhiệt, ở khắp nhành cây và mặt đất. Dân chúng kéo đến các sân chim này để bắt chim, nhổ lông bán cho ghe buôn từ Hải Nam đến, họ mua về để kết quạt. Ta có thể chia hai loại chim: thứ làm ổ trên cây và thứ làm ổ trên mặt đất.

Làm ổ trên cây thì có chim chàng bè, chim già sói, chim chó đồng. Làm ổ dưới đất thì co chim bồ nông là đáng kể.
...
Ðất hoang, rừng rậm lần lần được khai thác ở vùng Kiên Giang. Vì động đất động rừng, chim bay đi, bỏ sân cũ.

Chúng bị tiêu diệt lần lần. Số chim còn lại bay về đâu? Ngày nay cùng Rạch Giá, Cà Mau còn vài sân chim. Nhưng toàn là cò, diệc, cồng cộc, loại chim nhỏ.

Vài con chim còn nhớ sân cũ, hàng năm cứ tới tháng Chạp là bay về. Như con chim già sói này trở về rạch Ðường Sân.

Và ông Tư – Ngưòi giúp chúng tôi những tài liệu trên đây – hồi còn trai tráng chính là người “bạn giữ sân” và người “bạn giết” – hai danh từ xa xăm mà không ai nhắc tới nữa.

Con chim già sói đứng cao nghệu trên cây gòn, day mỏ qua phía nhà ông Tư.

Ông Tư đứng tần ngần, lấy tay che mắt nhìn nó, cố sức nhìn kỹ từ nét mặt như hỏi han sức khoẻ của người bạn già quen thuộc, biết giữ thủy chung đạo bằng hữu.

Ông nói:

- Mấy chục năm rồi, năm nào tháng Tết nó cũng về đây vài ngày. Năm nay nó già nhiều rồi. Ðầu sói hơn mọi năm, cháu thấy không?

Như lời ông Tư, tôi thấy rõ ràng một đốm trắng ở giữa đầu con chim nọ. Là kẻ sanh sau đẻ muộn tôi nào gặp con chim này hồi mấy mươi năm về trước để so sánh cho biết nó già nhiều hay già ít? Mặt trời gần lặn rồi, nền trời đỏ khé. Con già sói đứng sững đó, im lìm như đúc bằng đồng đen, phía sau có hào quang.

Nó nhìn ông Tư, râu tóc bạc phếu.

Ông Tư nhìn nó. Có lẽ ông nghĩ đến phận mình mà nảy sinh ra bao mối cảm hoài. Trong con tim già, qua thời gian, giờ đây chắc chắn đã lắng xuống hết bao hung bạo của thời xuân xanh của ông và của đất nước hoang vu. Giữa ông và con chim nọ, không còn oán thù. Biển im lặng sau cơn giông tố. Ðây là Bá Nha với Tử Kỳ cảm thông nhau. Cầu cho ông Tư với con chim già sói được sống lâu hơn trăm tuổi! Xin tạ ơn đấng tạo hóa đã dành cho đất nước này bao nhiêu đặc ân như những sân chim đây là một. Hiên ngang thay! Ðẹp đẽ thay! Hỡi người Việt đầu tiên đến vùng Kiên Giang hưởng ơn Trời lộc Nước mà khai phá miền Nam...

Sơn Nam

(Trích đoạn trong truyện ngắn "Tháng Chạp Chim Về" của Sơn Nam đăng trên http://langmanmientay.com/cms/news/)

*Với dáng đứng gù gù cùng cái đầu hói và vài chỏm “tóc” muối tiêu lơ thơ sau gáy, chúng gợi lên hình ảnh của những cụ già khắc khổ…
Đó là những lời có thể dùng để miêu tả về già sói (còn gọi là già đẫy Giava), một trong những loài chim quý hiếm nhất của Việt Nam cũng như toàn thế giới... (theo Báo Mới)

No comments:

Post a Comment